Lần thứ nhất, thời kỳ loại bỏ giáo dục thực dân, đặt nền móng, tạo tiền đề xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa (SGK) của nền giáo dục cách mạng bắt đầu sau tháng 8/1945.
Việt Nam coi giáo dục là quốc sách
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi thời đại. Việt Nam coi giáo dục là quốc sách. Phát triển giáo dục được xác định là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
“Một năm vừa qua, những ưu tiên này đã được chúng ta hiện thực hóa bởi rất nhiều hoạt động theo đúng tinh thần 'nỗ lực chung'. Trong đó có những hoạt động chính như: Hội nghị giáo dục với chủ đề 'Hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục'; tài liệu phục hồi và thích ứng trong giáo dục: Hướng dẫn cho các quốc gia ASEAN, do Campuchia chủ trì xây dựng; Tuyên bố ASEAN về chuyển đổi số trong giáo dục, do Philippines chủ trì xây dựng; lộ trình thực hiện Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025, được công bố tại Hà Nội”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Với mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ các nước thành viên ASEAN và các đối tác trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam cam kết: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn sắp tới”.
Tại hội nghị, bộ trưởng các nước thành viên ASEAN tập trung trao đổi về tình hình giáo dục và đào tạo của mỗi nước, chia sẻ các bài học thực tiễn, kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp hợp tác, hướng tới phát triển giáo dục bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19.
Hội nghị cũng cập nhật tình hình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động giáo dục ASEAN giai đoạn 2021-2025 và thảo luận các vấn đề khác.
Đại diện các nước đánh giá cao việc Việt Nam đảm nhận hiệu quả vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023, dẫn dắt ngành giáo dục ASEAN theo sự chỉ dẫn trong Kế hoạch công tác ASEAN về giáo dục giai đoạn 2021-2025, cũng như đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 cùng các hội nghị liên quan.
Các đại biểu đồng thời ghi nhận Không gian giáo dục đại học ASEAN thông qua công bố lộ trình thực hiện Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025; ghi nhận vai trò của các đối tác SEAMEO, UNICEF và UNESCO; những tiến bộ thực chất trong việc thực hiện Kế hoạch công tác ASEAN giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị thống nhất về sự cần thiết của việc mở cửa trường học trở lại an toàn và duy trì việc mở cửa các trường học, khắc phục tình trạng hao hụt kiến thức và gia tăng khả năng thích ứng cho hệ thống giáo dục trong ASEAN và các quốc gia thành viên trước đại dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp trong tương lai. Nhu cầu chuyển đổi số các hệ thống giáo dục trong ASEAN cùng sự cần thiết của việc đảm bảo sức khỏe tinh thần và phúc lợi cho các bên liên quan trong nền giáo dục toàn ASEAN cũng được nhấn mạnh tại hội nghị.
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 đã thông qua Tuyên bố chung với nhiều điểm quan trọng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cam kết cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn sắp tới” - Ảnh: VGP/Nhật Nam
Ngay từ khi đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 và 2023, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã xây dựng chủ đề và 5 ưu tiên phù hợp với bối cảnh ngành giáo dục các nước đang ứng phó với những ảnh hưởng của COVID-19. Từ tháng 3/2022 đến nay, giáo dục Việt Nam và các nước ASEAN đã đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Dự kiến, từ nay đến hết nhiệm kỳ, Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ tập trung triển khai thúc đẩy, chăm sóc sức khỏe tinh thần của học sinh, vì đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến việc học, dẫn đến việc hổng kiến thức của học sinh, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần của các em.
Đồng thời, tăng cường giáo dục về biến đổi khí hậu nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam thực hiện tại Hội nghị COP26 và sẽ phối hợp với các nước đối tác tổ chức các chương trình trực tuyến bồi dưỡng cho giáo viên về phương thức giảng dạy về biến đổi khí hậu. Tạo không gian chung để sinh viên các nước ASEAN và ASEAN+3 chia sẻ về khởi nghiệp trong giới trẻ.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì thực hiện 3 dòng hành động trong Kế hoạch hành động trong giáo dục trong ASEAN giai đoạn 2021-2025 và một dòng hành động trong Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giáo dục giai đoạn 2018-2025.
Sau Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, trong ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 (với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) lần thứ 6 và Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á ASEAN-EAS (gồm các nước ASEAN+3 và các đối tác Mỹ, Australia, New Zealand, Nga, Ấn Độ) lần thứ 6.
Tại buổi toạ đàm "Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số" do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức tại Trường ĐH Sài Gòn chiều ngày 2/5, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội thông tin, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Trước đó, thông tin "hệ thống giáo dục Việt Nam nằm ở hàng đầu thế giới" xuất hiện trên mạng cũng đang gây chú ý. Và cũng như các đại biểu trong buổi tọa đàm, khá nhiều người "khó hiểu" với kết quả này.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, báo cáo được nói ở trên được lấy từ một đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) có tên Báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương công bố hồi tháng 3/2018.
Mở đầu thông cáo báo chí về sự kiện này là những dòng "7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam". Những phân tích và diễn giải của WB tham khảo từ các kết quả từ chương trình đánh giá quốc tế đã được chuẩn hóa (mà tiêu biểu là PISA).
Báo cáo dẫn số liệu khoảng 331 triệu trẻ em ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang ở độ tuổi đến trường, chiếm khoảng 1/4 thế giới. 40% trong số này đang theo học trong các trường thuộc các hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD, gồm cả các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc và Việt Nam.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỉ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ví dụ, ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia...
Cụ thể, hệ thống giáo dục của các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương được chia làm 4 nhóm như hình dưới đây:
Theo phân loại trên, điểm số của các hệ thống giáo dục hàng đầu luôn cao hơn điểm trung bình của các nước thành viên OECD hơn một nửa độ lệch chuẩn (tương đương 1,6 năm học); Điểm số của các hệ thống giáo dục trên mức trung bình luôn cao hơn điểm trung bình của các nước thành viên OECD gần một nửa độ lệch chuẩn; Điểm số của hệ thống giáo dục dưới mức trung bình luôn thấp hơn điểm trung bình của OECD ít nhất một nửa độ lệch chuẩn;
Các hệ thống giáo dục biệt lập không thường xuyên tham gia các cuộc khảo thí tương đương đã được chuẩn hóa toàn cầu, tuy nhiên bằng chứng từ các nguồn khác cho thấy kết quả học tập rất khiêm tốn.
Báo cáo của WB cho biết, các nền kinh tế có điểm số cao nhất thuộc các quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thu nhập cao. Tuy nhiên, các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình cũng đạt kết quả tốt. Điểm trung bình của Việt Nam và 4 thành phố lớn của Trung Quốc (Bắc Kinh - Thượng Hải - Giang Tô - Quảng Đông, gọi tắt là Trung Quốc) đều vượt các nước thành viên OECD.
Theo WB, thành tích ở Việt Nam và Trung Quốc được đánh giá là "đặc biệt đáng khích lệ" trong bối cảnh các quốc gia/ khu vực này có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn và thiếu nguồn lực cho giáo dục so với các nước khác.
Cũng báo cáo này đưa ra những thông tin tích cực khác của giáo dục Việt Nam. Chẳng hạn, nhận định điểm thành phần PISA cao phản bác lại quan điểm thường thấy về lối học thuộc lòng. Cụ thể là 3 điểm thành phần đo lường khả năng nhận biết và xác định vấn đề, thực hiện các phép toán, giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của các kết quả cho thấy họcsinh VN "có năng lực toàn diện và vượt trội trong môn toán để giải quyết các vấn đề phức tạp".
Một kết luận nữa mà WB nêu lên là sự khác biệt về kết quả học tập rõ ràng hơn sau khi trẻ vào tiểu học. Cụ thể, trẻ em VN khi bắt đầu vào tiểu học có các kỹ năng nhận thức và năng lực tương đương với trẻ đồng trang lứa ở 3 quốc gia đối sánh. Nhưng từ năm lớp 3, học sinh VN luôn vượt trội hơn so với các bạn đồng trang lứa ở nhóm có thu nhập thấp và trung bình trong lĩnh vực toán học ở các nước. Ở độ tuổi 10 và 12, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ethiopia, Ấn Độ và Peru.
Vậy giáo dục Việt Nam đang đứng ở mức nào?
Kể từ khi Việt Nam tham gia các chương trình đánh giá quốc tế đã được chuẩn hóa và đạt được kết quả cao, đã có nhiều tranh cãi về chỉ số xếp hạng này.
Được hỏi lại nhân những thắc mắc thực sự hệ thống giáo dục Việt Nam ở "top 10" nào, ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT, nhìn nhận, giáo dục phổ thông của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu hơn trước (trong khi giáo dục đại học còn nhiều vấn đề). Tuy nhiên, kết quả xếp hạng PISA chưa phản ánh hết bản chất của giáo dục. Do vậy, không thể dựa vào bảng xếp hạng này để đánh giá hệ thống giáo dục. Có một ví dụ mà nhiều người thường lấy ra là học sinh Việt Nam khi bước ra nước ngoài ở giai đoạn đầu học tốt vì có kiến thức, nhưng càng lên cao thì càng yếu do thiếu kỹ năng cơ bản.
Còn theo GS Nguyễn Đức Dân, không thể phủ nhận là nguồn lực học sinh, sinh viên Việt Nam có nhiều em giỏi, sáng tạo… Nhưng những vấn đề mang tính hệ thống, đường hướng thì còn bất cập.
GS Trần Ngọc Thêm nói rằng quả từ năm 1976, và sau Nghị quyết 29 năm 2013 cho thấy toàn ngành giáo dục đã đã có những cố gắng rất lớn; những đánh giá của WB như báo cáo là thực tế không thể phủ nhận," nhưng đây chỉ là một khía cạnh của bức tranh giáo dục.
Bên cạnh những việc đã làm được, còn những mảng tối, đòi hỏi phải cùng nhau bóc tách để tìm giải pháp như các đề án "nghìn tỷ" có nhiều điều tiếng thời gian qua. Giải pháp không thể cứ rút kinh nghiệm, xin thêm kinh phí, hay kéo dài thời hạn. Theo ông, từ năm 1976 đến nay chúng ta đã cải cách quá nhiều lần. Nếu làm tốt, sao cứ phải làm lại mãi?
Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng nếu không có sự thay đổi thì 5 năm nữa giáo dục Việt Nam sẽ tụt hậu.
Để hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước Việt Nam - Úc đạt được kết quả như ngày nay, theo đánh giá của nhiều đồng nghiệp và chuyên gia giáo dục, có sự đóng góp rất lớn của GS-TS Trần Thị Lý - giảng viên Đại học Deakin, nhà nghiên cứu tiềm năng (future fellow) tại Hội đồng Nghiên cứu khoa học Úc.
GS-TS Trần Thị Lý (bìa phải) cùng các cộng sự và sinh viên
Bao năm nay, nữ GS-TS sinh năm 1975, quê Quảng Trị này luôn trăn trở với việc làm sao thay vì "nhập khẩu", Việt Nam có thể "xuất khẩu" giáo dục. Và, chị là một trong những người góp sức quan trọng trong việc này. Đến nay, Việt Nam đã là điểm đến du học của rất nhiều sinh viên quốc tế. Trong đó, nhiều người chọn học cả những ngành tưởng chừng là điểm yếu ở nước ta như công nghệ thông tin.
GS-TS Trần Thị Lý thổ lộ chị nung nấu ý tưởng "xuất khẩu" giáo dục Việt Nam từ những cảm nhận thực tế của một số sinh viên nước ngoài. Chị nhớ lại: "Susan, một thực tập sinh Úc, sau thời gian học về công nghệ thông tin tại Việt Nam cho biết em học hỏi được nhiều tính năng kỹ thuật và công nghệ mới trong chuyên ngành của mình. Theo Susan, Việt Nam là một trong những thị trường công nghệ thông tin năng động nhất thế giới".
Một sinh viên khác là James Fairley, đến từ Đại học Griffith, bày tỏ thời gian học và thực tập 12 tháng ở Việt Nam theo chương trình học bổng New Colombo Plan của chính phủ Úc là "trải nghiệm thanh xuân tươi đẹp và quý giá". "James cho biết không chỉ được trải nghiệm cuộc sống năng động ở nước ta, em còn tích lũy nhiều kiến thức chuyên môn rất hữu ích cho công việc của mình hiện nay trong lĩnh vực giao thương, đầu tư giữa Việt Nam và Úc" - GS-TS Trần Thị Lý dẫn chứng.
Để góp phần giúp Việt Nam ghi danh trên bản đồ giáo dục quốc tế, trở thành quốc gia "xuất khẩu" giáo dục, từ năm 2017, GS-TS Trần Thị Lý đã triển khai công trình khoa học "Tìm hiểu tác động của hiện tượng thực tập và học tập ngắn hạn của sinh viên Úc ở Việt Nam, cũng như Nhật và Trung Quốc, qua chương trình New Colombo Plan do Chính phủ Úc tài trợ (2017-2021)". Với công trình này, chị đã được trao giải thưởng "Nhà khoa học tiềm năng" của Ủy ban Nghiên cứu khoa học Úc. Đây cũng là giải thưởng duy nhất trong ngành giáo dục Úc năm 2017.
Những năm qua, ngoài công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Đại học Deakin, GS-TS Trần Thị Lý luôn tìm kiếm cơ hội tổ chức các tọa đàm, hội thảo quốc tế nhằm xây dựng thương hiệu cho giáo dục Việt Nam. Chị còn tìm tòi, kết nối những chương trình học bổng nhằm giúp Việt Nam nâng cao nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của đất nước, như: học bổng học tập, nghiên cứu Australia Award; học bổng phát triển năng lực lãnh đạo Endeavour Executive Award...
GS-TS Trần Thị Lý cũng tích cực tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng và chuyên môn ngắn hạn như Aus4skill hay những chính sách, dự án hỗ trợ đưa giáo dục Úc đến gần với Việt Nam hơn. Trong khuôn khổ một chương trình thí điểm do Chính phủ Úc phê duyệt hồi tháng 10 năm nay, Việt Nam là một trong 3 nước, cùng với Ấn Độ và Indonesia, được Úc chọn gửi sinh viên sang tham gia các khóa học để tăng cường khả năng tiếng Việt và vốn văn hóa Việt.
"Trong chương trình Aus4Skills, nhóm nghiên cứu chúng tôi thực hiện dự án "Nhu cầu về mặt kỹ năng đối với nguồn nhân lực ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam", thông qua sự hợp tác giữa Trường Đại học Tây Bắc với các trường đại học Deakin và New South Wales của Úc. Dự án này đã cung cấp thông tin cho việc phát triển kế hoạch chiến lược và điều chỉnh chương trình giảng dạy của các trường đại học miền núi phía Bắc để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp xu thế phát triển khu vực, đất nước và hội nhập" - chị hào hứng.
Đề cập công việc sắp tới liên quan đến giáo dục Việt Nam, GS-TS Trần Thị Lý cho biết chị sắp thực hiện dự án tìm hiểu tác động của hiện tượng sinh viên Úc thực tập, học tập ở nước ta. Chị tiết lộ: "Dự án sẽ tìm hiểu, đưa ra những khuyến nghị nhằm xây dựng Việt Nam thành điểm đến được ưa chuộng và bền vững của sinh viên Úc. Riêng với các khóa thực tập, học tập thuộc chương trình Colombo Plan mới, Việt Nam đang là một trong những điểm đến hàng đầu của sinh viên Úc".
GS-TS Trần Thị Lý khoe chị đang được giao thực hiện dự án mới của Chính phủ Úc nhằm hỗ trợ sinh viên quốc tế đến nước này học tập và nghiên cứu, trong đó có sinh viên Việt Nam. Chị giải thích: "Dự án này nhằm phát triển bộ hướng dẫn các trường đại học, cao đẳng và phổ thông để hỗ trợ, nâng cao kết nối và trải nghiệm của sinh viên quốc tế".
Trò chuyện với chúng tôi, GS-TS Trần Thị Lý không giấu sự tâm đắc về những nỗ lực của chị cũng như nhiều người khác nhằm đưa giáo dục Việt Nam đến với người học ở Úc nói riêng và thế giới nói chung. Chị nhìn nhận: "Việt Nam đã đạt nhiều kết quả trong việc quốc tế hóa giáo dục. Điều này xuất phát từ việc Việt Nam là một nước ổn định về chính trị và kinh tế. Giá cả sinh hoạt và học phí các khóa học ở nước ta vốn rẻ, cơ hội tìm kiếm chỗ ở và việc làm thêm cũng không khó. Đây là những điều kiện thuận lợi để sinh viên nước ngoài đến Việt Nam du học".
Theo GS Trần Thị Lý, Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy được khả năng quốc tế hóa giáo dục đối ứng và toàn diện, thay vì chỉ là nước "nhập khẩu" giáo dục. Khi quốc tế hóa giáo dục, trở thành quốc gia "xuất khẩu" giáo dục, nước ta sẽ được "lợi đơn lợi kép". "Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến thu hút sinh viên quốc tế, trước mắt là với các khóa học ngắn hạn và thực tập" - chị khẳng định.
GS-TS Trần Thị Lý là nhà khoa học nổi tiếng với nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật và giảng dạy. Năm 2019, chị được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. GS-TS Trần Thị Lý cũng là một trong 2 nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Noam Chomsky - Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu năm 2020.
Đến nay, GS-TS Trần Thị Lý đã giành được hơn 30 giải thưởng và học bổng nghiên cứu từ các hiệp hội quốc tế, quốc gia. Chị đã công bố hàng trăm bài báo, công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành uy tín của quốc tế.