Phát Thải Ròng Bằng 0 Vào Năm 2050

Phát Thải Ròng Bằng 0 Vào Năm 2050

Thiết kế và xây dựng: Công ty TNHH Phần mềm TechLife

Sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo hướng tới đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam

Trong những năm gần đây với sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng bảo vệ môi trường ngày càng tăng lên. Đồng thời, việc sử dụng nguồn năng lượng xanh cũng góp phần đáng kể đến việc đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đây còn là tiền đề để chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu không thể lường trước, cùng những tác động xấu của biến đổi khí hậu đối với đời sống của xã hội. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 Thông tư số 40/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 5/11/2014 quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia “năng lượng tái tạo bao gồm: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học[2]”. Hơn nữa, quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có quy định “Năng lượng tái tạo là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác[3]”. Tuy nhiên, đến Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã không còn định nghĩa về năng lượng tái tạo, nhưng vẫn có những quy định đề cập đến chính sách, sử dụng năng lượng tái tạo.

Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về năng lượng xanh, năng lượng sạch nhưng có thể hiểu nguồn năng lượng sạch là “nguồn năng lượng ít hoặc không gây ảnh hưởng đến môi trường[4]”. Năng lượng xanh là nguồn năng lượng khi sử dụng, sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường và chúng được tạo ra từ các nguồn tự nhiên như ánh sáng mặt trời, gió, mưa, địa nhiệt,… Nguồn năng lượng này ngược lại với nguồn năng lượng hóa thạch. Như vậy, có thể nhận thấy, nguồn NLX, NLS, NLTT chỉ tổng thể việc sử dụng các nguồn năng lượng khác nhau mà không ảnh hưởng đến con người và môi trường. Vì vậy, việc chuyển dần từ sử dụng năng lượng hóa thạch truyền thống sang năng lượng xanh, sạch, tái tạo sẽ giúp phát thải đáng kể, chống biến đổi khí hậu một cách hiệu quả nhất.

Hơn nữa, để thực hiện được những mục tiêu theo cam kết tại Hội nghị COP26, cần xác định sử dụng nguồn năng lượng xanh là nhu cầu tất yếu của xã hội. Vì vậy, cần hạn chế hoặc không phát triển thêm các nhà máy điện than mới; chuyển dịch cơ sở hạ tầng để phục vụ cho hoạt động khai thác và sử dụng nguồn năng lượng xanh; sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, khung chính sách cho sự phát triển của nguồn năng lượng xanh. Sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT có vai trò quan trọng trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm:

Thứ nhất, việc sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT giúp cho môi trường sống được phát triển, trong lành, đảm bảo các điều kiện tốt nhất chất lượng cuộc sống. Từ đó, con người sống trong môi trường đó cũng được hưởng những điều kiện sống tốt nhất, chất lượng cuộc sống cũng được đảm bảo tối đa. Đồng thời, giảm thiểu tối đa sự tác động xấu của biến đổi khí hậu đến môi trường sống của con người.

Thứ hai, sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT nhằm hướng tới môi trường vệ sinh, an toàn, đảm bảo sức của của người dân, cũng như bảo đảm cảnh quan môi trường. Từ đó, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo cho quyền con người được sống trong môi trường trong lành.

Thứ ba, sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT là nhu cầu tất yếu cần phải thực hiện để hoàn thành các mục tiêu trong cam kết phát thải ròng bằng “0” tại Hội nghị COP26. Từ đó, góp phần quan trọng đến việc bảo đảm an ninh năng lượng do sự suy giảm nhanh chóng của các nguồn năng lượng cũ như dầu khí, than đá, khoáng sản.

Như vậy, trong mối quan hệ tương quan giữa sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT và ứng phó với biến đổi khí hậu có mối quan hệ mật thiết với nhau. Sử dụng nguồn năng lượng này là đang góp phần chống lại biến đổi khí hậu, giảm tối đa sự tác động của biến đổi khí hậu đến với môi trường; từ đó hướng tới việc phát triển xanh, phát triển bền vững.

Hành lang pháp lý trong việc sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đã được xây dựng và hoàn thiện. Theo đó, Điều 43 Hiến pháp năm 2013 quy định:“Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong làng và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Vì thế, vấn đề về bảo vệ môi trường sống đối với biến đổi khí hậu được Hiến pháp năm 2013 khẳng định. Điều này lại càng khẳng định vị thế và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định:“Ứng phó với biến đổi khí hậu là hoạt động của con người nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính[5]”. Vì vậy, mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình sử dụng NLX, NLS, NLTT đã được triển khai và pháp điển hóa trong nhiều văn bản pháp luật.

Để thực hiện hóa hoạt động sử dụng NLX, NLS, NLTT, ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, “chú trọng sử dụng các công nghệ đã được kiểm chứng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, như thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, khí sinh học để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo…[6]”. Bên cạnh đó, Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 cũng đưa ra những mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu:“Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng“0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế[7]”. Đồng thời, Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/01/2022 quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng quy định cụ thể về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hành lang pháp lý cho việc sử dụng NLX, NLS, NLTT trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” tại Hội nghị COP26 phần nào có những thành công nhất định. Nhiều chính sách pháp luật được quy định cụ thể tạo ra hành lang pháp lý quan trọng giúp cho quá trình thực hiện được thúc đẩy nhanh chóng. Hoạt động khuyến khích sử dụng năng lượng điện gió (năng lượng tái tạo) được triển khai rộng rãi giúp hạn chế tối đa việc sử dụng các nguồn nhiên liệu thô khác.

Những nỗ lực thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội Nghị COP26 “đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là yêu cầu mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26[8]”. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế, các Bộ, ngành và địa phương đã có một số kết quả quan trọng. Trong đó nổi bật là việc hoàn thiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26. Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành Giao thông vận tải.

Các bộ, cơ quan liên quan đã rất tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác. Nhờ đó, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được các bộ, ngành ký kết với các đối tác phát triển, các định chế tài chính, bước đầu tìm kiếm và huy động nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững, phát thải carbon thấp và tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Sau Hội nghị COP26, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới mong muốn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Một số tập đoàn lớn đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Như vậy, trong quá trình triển khai thực hiện sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT để ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, đặc biệt đối với hành lang pháp lý cho hoạt động này cũng đang dần hoàn thiện. Chính sách khuyến khích đầu tư vào nguồn năng lượng này đang được Đảng và Nhà nước quan tâm khi đưa ra nhiều chính sách ưu đãi.[9] Vì vậy, cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp nhằm bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, đáp ứng được yêu cầu tốt nhất của cuộc sống.

Bảo vệ môi trường trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mọi người dân, đây còn là động lực thúc đẩy cuộc sống và nâng cao chất lượng sống của con người. Đảng và Nhà nước đã quan tâm khi đưa ra nhiều chính sách, pháp luật khuyến khích đầu tư khai thác và sử dụng NLX, NLS, NLTT, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu sự tác động xấu của biến đổi khí hậu gây ra. Bên cạnh đó, cam kết tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng “0” là nhu cầu tất yếu của sự phát triển. Chúng ta mong muốn rằng với việc Việt Nam thực hiện các cam kết mạnh mẽ như đã thực hiện tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, sẽ có những cam kết mạnh mẽ hơn đã được cụ thể hóa trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, các nước phát triển và các nước khác trên thế giới cần thực hiện đúng những cam kết đã đặt ra.